Bộ 5 đề kiểm tra cuối HK I môn Ngữ văn lớp 10 năm học 2023-2024 có đáp án

Xin giới thiệu với bạn đọc tài liệu đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 10. Trong tài liệu gồm các đề được sưu tầm và biên soạn theo chương trình GDPT 2018, giúp bạn đọc ôn luyện môn Ngữ văn để đạt kết quả cao trong các kì thi sắp tới.

Lưu ý: Đây chỉ là một số đề minh hoạ trong bộ 5 đề. Các bạn nên tải về để xem đầy đủ nội dung.

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

    Đọc văn bản:

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

Quê hương là bàn tay mẹ
Dịu dàng hái lá mồng tơi
Bát canh ngọt ngào tỏa khói
Sau chiều tan học mưa rơi

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

                (Trích “Bài học đầu cho con”- Đỗ Trung Quân)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

  1. Thể thơ 5 chữ
  2. Thể thơ 6 chữ
  3. Thể thơ lục bát
  4. Thể thơ tự do

Câu 2. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là

A. Nghị luận.

B. Tự sự.

C. Miêu tả.

D. Biểu cảm.

Câu 4. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản trên là:

A. Nhân hóa

B. Điệp cú pháp

C. Hoán dụ

D. Ẩn dụ

Câu 5. Quê hương được tác giả miêu tả qua những hình ảnh như thế nào?

A. Thơ mộng, trữ tình 

B. Bình dị, gần gũi

C. Khắc nghiệt, dữ dội

D. Tráng lệ, kì vĩ

Câu 6: Câu thơ “Quê hương là con diều biếc” gợi về:

  1. Tình cảm gia đình
  2. Kí ức tuổi thơ
  3. Tình yêu đôi lứa
  4. Nỗi nhớ quê hương

Câu 7: Hình ảnh bàn tay mẹ trong câu thơ “Quê hương là bàn tay mẹ”  được hiểu là:

  1. Sự tần tảo chăm sóc của mẹ
  2. Sự vất vả của mẹ
  3. Sự khéo léo của mẹ
  4. Sự ấm áp của mẹ

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8.  Tác dụng của câu hỏi tu từ được thể hiện trong đoạn thơ sau:

“Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua đoạn thơ sau là gì?

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”

Câu 10. Suy nghĩ của anh/chị về vai trò của quê hương trong sự hình thành nhân cách mỗi người?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trưởng thành con bướm biết bay.

Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất để nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày và trở thành cây cứng cáp.

Con tằm nào được người ta cắt vỏ kén chui ra mãi mãi bò quẩn quanh cái kén mà không bao giờ thành loài bướm biết bay.

         Hạt giống nằm trên mặt đất dễ dàng nảy mầm nhưng sẽ bị bật gốc khi gặp cơn giông tố.

Con người không thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể tự chọn cho mình một cách sống; rèn luyện cho mình khả năng chịu đựng và bản lĩnh ý chí qua thử thách, khó khăn, bất hạnh và cả thất bại. Thất bại, bất hạnh có thể là điều tuyệt vọng với người này nhưng có thể là may mắn với người khác- tùy vào cách chúng ta đón nhận bằng cách dũng cảm vượt qua hay tự thương thân trách phận mà gục ngã.

                              (Dẫn theo “Hạt giống tâm hồn” – Tập 1, Phần I)

Thực hiện yêu cầu:

     Viết một văn bản nghị luận trình bày suy nghĩ của Anh /Chị về cách đối diện với thử thách của bản thân để thành công.

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

    Đọc văn bản:

       CHÂN QUÊ

Nguyễn Bính

Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(Nguồn: https://www.thivien.net)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

A. Song thất lục bát

B. Lục bát

C. Tự do

D. Thất ngôn bát cú

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là

A. nghị luận.

B. tự sự.

C. miêu tả.

D. biểu cảm.

Câu 3. Hình ảnh nào không phải là nét chân quê của cô gái trong bài thơ ?

A. Khăn nhung, quần lĩnh

B. Chiếc nón quai thao

C. Cái yếm lụa sồi

D. Áo cài khuy bấm

Câu 4. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong đoạn thơ: 

      Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
        Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

                Nào đâu cái áo tứ thân?
                   Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

A. Nhấn mạnh nét hiện đại của cô gái

B. Nhấn mạnh sự thay đổi ngoại hình của cô gái

C. Nhấn mạnh sự mất mát của chàng trai trước sự thay đổi của cô gái

D. Nhấn mạnh sự nuối tiếc, hụt hẫng của chàng trai trước sự thay đổi của cô gái

Câu 5. Ngôn ngữ của tác giả trong bài thơ là ngôn ngữ:      

A. giản dị, mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ dân gian.

B. mộc mạc, quê mùa, hóm hỉnh, gần gũi với người dân quê.

C. cổ kính mà hiện đại.

D. hiện đại, cách tân táo bạo.

Câu 6. Chàng trai muốn nhắn nhủ điều gì qua câu thơ ?

 “Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa” 

A. Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp thôn quê

B. Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp truyền thống

C. Nhắn nhủ cô gái giữ gìn những nét đẹp dân dã

D. Nhắn nhủ cô gái đừng chạy theo trào lưu hiện đại

Câu 7. Qua bài thơ, từ “chân quê” được hiểu là: 

 A. sự mộc mạc, giản dị của người nông dân.

B. sự quê mùa, lạc hậu của chàng trai.

C. sự mộc mạc, chân chất, đằm thắm của vẻ đẹp truyền thống.

D. sự mộc mạc, chân chất của trang phục truyền thống.

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Chàng trai thể hiện thái độ gì trong hai câu thơ sau:

Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.

Câu 9. Anh/ chị có đồng tình với quan niệm “giữ nguyên quê mùa” của chàng trai trong bài thơ không? Vì sao ?

Câu 10. Anh/ chị cần làm gì trong việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống?

II. VIẾT (4.0 điểm)

     Đọc bài thơ 

Công danh đã được hợp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế nghị khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh phát cỏ ương sen.

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà nặng vạy then.

Bui* có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng** khuyết, nhuộm chăng đen.

          Thực hiện yêu cầu:

         Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về lối sống thanh nhàn của tác giả qua bài thơ.

………………………..

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

ĐƯỜNG ĐI HỌC

Khúc khuỷu ruột dê ổ gà ổ chó
Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình
Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ
Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh…

Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược
Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe
Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót
Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe

Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ
Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài
Bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt
Túc tắc rồi con cũng lớn như ai.

Thêm một tuổi là con thêm một lớp
Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn
Con đường cũ mở ra nhiều lối mới
Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.

Mê lộ đời lắm ngả ngang ngả dọc
Chợt xênh xang chợt heo hút dặm mòn
Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất
Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con !

                                18.02.2003

(Trích Từ khi có phượng, Nguyễn Ngọc Hưng, NXB Hội nhà văn, 2005, tr.7-8)

Lựa chọn đáp án đúng :

Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì ?

A. Phong cách ngôn ngữ chính luận

B. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

D. Phong cách ngôn ngữ khoa học

Câu 2. Từ “khúc khuỷu” thuộc từ loại nào ?

A. Danh từ

B. Động từ

C. Trạng từ

D. Tính từ

Câu 3. Những hình ảnh nào gợi lên vẻ đẹp thơ mộng của con đường đi học ?

A. Đầy hoa cỏ, ổ gà ổ chó

B. Đầy hoa cỏ, những cánh bướm xinh

C. Đầy hoa cỏ, khúc khuỷu 

D. Những cánh bướm xinh, ổ gà ổ chó

Câu 4. Ý nào sau đây không thể hiện đúng hoàn cảnh sống của tác giả trong bài thơ ?

A. Cơ cực, manh áo nghèo

B. Thiếu thốn, cơm cõng củ

C. Cơ cực, thiếu tình thương

D. Nghèo khổ, bữa cháo bữa rau

Câu 5. Trong kí ức của tác giả, con đường đi học hiện lên như thế nào ?

A. Khó khăn, thơ mộng

B. Khúc khuỷu, huy hoàng

C. Gai góc, khúc khuỷu

D. Thơ mộng, huy hoàng

Câu 6. Câu thơ “Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót” gợi ra hình ảnh một cậu bé 

A. nhanh nhẹn như chim sáo.

B. đang nhảy chân sáo.

C. hồn nhiên, vô tư.

D. lạc quan, ca hát.

Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của văn bản ?

A. Kí ức về con đường đi học đầy gian khổ nhưng thơ mộng

B. Kí ức tuổi thơ gian khó gắn với con đường đi học và người mẹ tảo tần

C. Kí ức về những ngày gian khổ và người mẹ tảo tần

D. Kí ức về tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch bên mẹ

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ “Ôi ! Thương quá cái thời cơm cõng củ”.

Câu 9. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với con đường đi học thể hiện trong bài thơ.

Câu 10. Trình bày ngắn gọn suy nghĩ của anh/chị về con đường đi học của mình.

II. VIẾT (4,0 điểm)

         Đọc truyện ngắn:

Nghề của mẹ

Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm.

Có lần mẹ đội thau cá đứng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắt tôi đến cốt đưa cho gói xôi, cái bánh…

Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.

Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.

(Võ Thành An, nguồn Kiến thức ngày nay số 404 ngày 06/01/2015)

Thực hiện yêu cầu:

         Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn trên.

——————————————–HẾT———————————————-

ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Anh nhớ không những con đường quê ta
Thân thương từ thuở nhỏ ?
Bao năm tháng đi về trên ngõ
Bao hoàng hôn rậm rịch bước chân trâu
Đường lập loè đom đóm bay cao
Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa
Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
Da diết lòng hương dịu tự vườn cau…

Xưa xóm nghèo mái rạ chen nhau
Gồ ghề lối hẹp
Hun hút bờ tre gió rét
Mưa dầm lầy lội bùn trơn
Bà lưng còng chống gậy bước run
Còm cõi vai gầy gánh nặng
Sương trắng mùa đông ngõ vắng
Quét hoài không hết lá khô…

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật…
Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang
Vui mở với đời ta như trời rộng…

(Những con đường, Trích Hương cây  1968 – Lưu Quang Vũ)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do.

B. Hiện đại.

C. Bảy chữ. 

D. Tám chữ.

Câu 2. Các từ láy trong khổ thơ đầu:

A. rậm rịch, lập loè, lầy lội, còm cõi.

B. rậm rịch, lập loè, se sẽ, da diết.

C. ghồ ghề, hun hút, lầy lội, còm cõi.

D. se sẽ, da diết, ghồ ghề, hun hút.

Câu 3. Hình ảnh nào không xuất hiện trong đoạn trích?

A. Xóm nghèo mái rạ.

B. Bờ tre hun hút.

C. Đom đóm lập lòe.

D. Dòng sông xanh mát.

Câu 4. Dòng nào nêu đúng tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong câu thơ còm cõi vai gầy gánh nặng?

A. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người bà.

B. Nhấn mạnh sự lam lũ, cơ cực của người mẹ.

C. Nhấn mạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của người bà.

D. Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, kiên cường của người bà.

Câu 5. Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong đọan thơ là

A. ngỡ ngàng.

B. nhớ thương.

C. hân hoan.

D. đau buồn.

Câu 6. Con đường ngày xưa và con đường ngày mai có gì khác nhau?

A. Con đường ngày xưa thân thương, con đường ngày mai xa lạ.   

B. Con đường ngày xưa gồ ghề, con đường ngày mai bằng phẳng.

C. Con đường ngày xưa hẹp, con đường ngày mai thênh thang.

D. Con đường ngày xưa lầy lội bùn trơn, con đường ngày mai rực rỡ ánh điện.

Câu 7. Theo văn bản, các câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Ôi những con đường hẹp ngày xưa
Cùng ruộng nhỏ ao con bó luôn tầm mắt
Khiến lòng người nhiều khi cũng chật…

A. Điều kiện sống thiếu thốn ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

B. Điều kiện sống sung túc ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người.

C. Điều kiện sống không ảnh hưởng đến lối sống của con người.

D. Cần tạo môi trường sống tốt đẹp để con người được phát triển.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích.

Câu 9. Anh/chị có đồng tình với ước vọng của tác giả trong hai câu thơ sau không? Vì sao?

Ta dựng ngày mai rộng biển lúa vàng
Bước đi dài đường phải thênh thang

Câu 10. Thông điệp có ý nghĩa tích cực mà anh/ chị nhận được sau khi đọc đoạn trích?

II. VIẾT (4.0 điểm)

     Đọc truyện ngắn: 

Một viện bảo tàng được lát đá cẩm thạch rất tinh tế và ngay chính giữa sảnh ngự một bức tượng cẩm thạch khổng lồ. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây đều trầm trồ trước bức tượng cẩm thạch lộng lẫy này.

      Đêm nọ, đá cẩm thạch nói với tượng cẩm thạch.

      Đá: Này tượng, như thế là không công bằng đâu nhé. Thật là bất công! Tại sao mọi người tới đây đều giẫm lên tôi trong khi họ ngước mắt ngưỡng mộ cậu? 

      Tượng: Đá thân mến, cậu có nhớ rằng chúng ta đều sinh ra từ một mỏ đá không?

      Đá: Đúng vậy! Chính điều đó lại càng làm tớ thấy bất công hơn. Chúng ta sinh ra từ một mỏ nhưng lại được đối xử khác nhau. Bất công làm sao!

      Tượng: Rồi cậu có còn nhớ ngày mà nhà điêu khắc đẽo cậu nhưng cậu từ chối không để các dụng cụ đó đẽo gọt lên mình không?

      Đá: Đúng thế, tớ vẫn nhớ […].

      Tượng: Rồi thì ông ấy quyết định từ bỏ cậu và bắt đầu làm việc trên mình tớ. Tớ hiểu ngay rằng mình sẽ khác biệt sau những nỗ lực của ông ấy. Tớ không từ chối các dụng cụ. Thay vào đó, tớ chịu đựng đau đớn khi những dụng cụ đó gọt giũa vào thân mình.

      Đá: Ừ…

      Tượng: Cậu thân mến, đó là cái giá của mọi thứ trong cuộc sống. Vì cậu quyết định bỏ cuộc giữa chừng, cậu không thể oán trách vì sao hôm nay người ta lại giẫm lên cậu.

                     (Bạn chỉ sống có một lần, Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2018, tr.90,91)

Thực hiện yêu cầu:

     Ý nghĩa của hai hình tượng nhân vật đá cẩm thạch và tượng cẩm thạch là gì? Anh/ chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).

ĐỀ SỐ 5

ĐỀ THAM KHẢO

I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

                                                                  Năm mới chúc nhau

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thời mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời.

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người. 

– Trần Tế Xương –

(Dẫn theo https://www.thivien.net)

      Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho các câu hỏi từ 1 đến 7:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. tự sự                              C. biểu cảm

B. miêu tả                          D. thuyết minh

Câu 2: Văn bản được viết theo dạng nào của thơ Đường luật?

A. Thơ bát cú                                   C. Thơ bài luật

B. Thơ tuyệt cú                                D. Thơ trường đoản cú

Câu 3: Đâu không phải là lời chúc của nhân vật “nó”?

A. Cái sự giàu                                                       C. Trăm tuổi bạc đầu

B. Cái sự sang                                                   D. Cho ra cái giống người

Câu 4: Việc sử dụng cặp đại từ “nó – ông” trong văn bản biểu thị thái độ nào của tác giả?

A. Coi thường, khinh rẻ, giểu cợt                         C. Vui vẻ, phấn khởi.

B. Coi trọng, nể phục, tán đồng                            D. Thất vọng, buồn đau

Câu 5: Hiệu quả nghệ thuật của phép đối trong bài thơ là:

A. Làm nổi bật sự khác biệt giữa “ta” với “nó”   C. Tạo sự thống nhất về nội dung và hình thức

B. Tạo sự cân đối, hài hòa cho lời thơ                  D. Làm cho câu thơ sinh động, ấp dẫn

Câu 6:  Nhân vật ông  quyết đi buôn lọng là vì:

A. có lãi cao                                                             C. đó là nghề của “ông”

B. nhiều người mua tước, mua quan                     D. thời tiết

Câu 7: Vẻ đẹp cơ bản của nhân vật “ta” được bộc lộ qua lời chúc là gì? 

A. Hành vi                                                 C. Nhận thức

B. Thái độ                                                  D. Nhân cách

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8: Lời chúc năm mới trong văn bản lật tẩy bản chất nào của bọn quan lại?

Câu 9: Anh/chị nêu hai biểu hiện cụ thể trong nét đẹp văn hóa ngày tết của người Việt.

Câu 10: Anh/chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản?

II. VIẾT: (4,0 điểm)

                        Đọc đoạn thơ sau:

                                …

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè…

                                                                    ( Trích Quê hương-Đỗ Trung Quân, theo Thivien).

     Quê hương là nơi đẹp nhất đối với mỗi người. Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của quê hương trong đoạn thơ trên.

…………………………..Hết………………………………

Để tải file, bạn cần có mật khẩu Download:

“Mật khẩu là tên nhãn hàng bắt đầu bằng chữ c, 6 chữ cái viết in thường, liền không dấu.” trong đường link bên trên

Tải về ngay!
Hỗ trợ